Điều khoản thanh toán

Điều khoản thanh toán là một nội dung không thể thiếu trong hợp đồng thương mại. Việc quy định cụ thể và chi tiết về thời hạn thanh toán, địa điểm, phương thức, hậu quả của việc chậm thanh toán, hay các chế tài trong trường hợp chậm thanh toán là rất cần thiết. Để hiểu rõ hơn về các điều khoản thanh toán trong hợp đồng, đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây nhé!

Các điều khoản thanh toán trong hợp đồng thương mại

1. Phương thức thanh toán

Phương thức thanh toán sẽ được các bên lựa chọn dựa vào mức độ tin cậy giữa các bên, khả năng thanh toán, hoặc phụ thuộc đối tượng hàng hóa.
Đối với các doanh nghiệp nội địa, thường áp dụng phương thức chuyển khoản hoặc tiền mặt. Những phương thức này có thể áp dụng đối với những đơn hàng số lượng ít và giá trị hợp đồng không cao.

Tuy nhiên trong lĩnh vực ngoại thương, do sự khác biệt văn hóa, sự chênh lệch về khả năng tài chính, quy mô cũng như về đồng tiền thanh toán, các bên có thể áp dụng phương thức mang tính chất chuyên nghiệp hơn và có sự hỗ trợ từ bên thứ ba – thường là các tổ chức tín dụng, ngân hàng như:

– Chuyển tiền bằng điện tín (Telegraphic Transfer – T/T);
– Chuyển tiền bằng thư (Mail Transfer – M/T);
– Phương thức thanh toán nhờ thu (Collection of payment);
– Phương thức tín dụng chứng từ (Letter of credit – L/C);
– Một số phương thức khác theo tập quán thanh toán quốc tế.

Các bên cần thỏa thuận rõ ràng phương thức thanh toán. Phương thức thanh toán thường có sự liên hệ với thời điểm giao hàng, nhận các chứng từ.

2. Số tiền thanh toán

– Số tiền thanh toán ghi bằng số
– Số tiền thanh toán ghi bằng chữ

Đồng tiền thanh toán có thể giống hoặc khác với đồng tiền tính giá. Khi hai đồng tiền này khác nhau cần xác định tỷ giá quy đổi hai đồng tiền này, trong đó đặc biệt lựa chọn tỷ giá của công cụ thanh toán nào, tỷ giá mua vào hay bán ra.

Trong thương mại quốc tế, đồng tiền quy định trong điều khoản thanh toán có thể là đồng tiền của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu hoặc của nước thứ ba tùy theo sự thỏa thuận của các bên liên quan. Người bán thường muốn lấy đồng tiền đang lên giá, còn người mua muốn trả bằng đồng tiền đang giảm giá. Để lựa chọn đồng tiền, người ta thường dựa vào các cơ sở sau: Giá trị của đồng tiền, mục đích của các bên, hiệp định thương mại, mặt hàng…

Đồng tiền tính giá và đồng tiền thanh toán có thể là một. Trong trường hợp đồng tiền thanh toán và đồng tiền tính giá không trùng nhau, ví dụ đồng tiền tính giá là ĐỒNG, còn đồng tiền thanh toán là USD thì trong hợp đồng các bên phải xác định tỷ giá quy đổi. Trên thị trường tiền tệ có rất nhiều loại tỷ giá để các bên lựa chọn: tỷ giá chính thức, tỷ giá danh nghĩa, tỷ giá tiền mặt, tỷ giá chuyển khoản, tỷ giá của nước xuất khẩu, tỷ giá của nước nhập khẩu, tỷ giá mua vào, tỷ giá bán ra,…